Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Vật liệu tự lành vết xước nhờ vào ánh nắng mặt trời

Một bước tiến mới trong ngành công nghiệp ôtô vừa xuất hiện. Công việc “tu sửa” vết xước xe thường thấy sẽ không còn thịnh hành nữa, khi mới đây, một vật liệu mới đã được phát minh, có khả năng tự hàn gắn các vết xước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

(AutoPro) - Các nhà khoa học vừa phát minh ra vật liệu phủ có khả năng tự “lành” vết xước trong vòng 30 phút chỉ dưới tác động của ánh nắng mặt trời.

Các bác tài sẽ không còn phải lo lắng về những vết xước cho lớp sơn xe yêu quý của mình nữa.

Các vết xước sẽ mất khoảng 15 đến 30 phút để tự lành, lúc đó, lớp sơn của xe lại giống y nguyên hiện trạng như vừa ra khỏi nhà máy sản xuất.

Trên thực tế, các nhà phát minh tin rằng chất liệu này có thể được sử dụng cho bất cứ vật gì dễ bị xây xáMặc dù chất liệu này mới chỉ trong giai đoạn ở phòng thí nghiệm, nhưng trong vòng 5 năm tới, nó sẽ trở thành sản phẩm thương mại có mặt trên thị trường.

Giáo sư Marek Urban, người nghiên cứu phát triển vật liệu polymer thông minh này tại trường đại học Nam Mississippi ở Hattiesburg cho biết “vật liệu này cũng sẽ được sử dụng trong các dụng cụ y tế, do vết xước trên các dụng cụ này có thể là nơi chứa mầm bệnh”.

Ông nói “Sẽ có rất nhiều ứng dụng cho vật liệu này, cơ bản là những nơi có tiếp xúc với ánh sáng mặt trời”.

Trong nhiều thế kỷ qua, vật liệu có khả năng tự hàn gắn là giấc mơ của nhiều kỹ sư. Da hay mô tế bào của con người đã trở thành ý tưởng thúc đẩy các nhà khoa học hướng đến, bởi đây chính là những thứ có thể tự liền lại với nhau khi bị tổn thương.

Một số vật liệu như mạng lưới các hạt nano siêu nhỏ cũng có thể “chảy máu" khi bị va chạm hay xây xát, lấp đầy vết rách, xước và khiến chúng tự liền lại.

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm trên hiện nay đều rất phức tạp và đắt đỏ. Vật liệu tự lành mới được phát minh này rẻ và đơn giản hơn nhiều.

Cơ chế hoạt động

Vật liệu mạ làm bằng polyurethane (thường được sử dụng trong sản xuất nhựa, bọt và màng phủ) có chứa chitosan (chất hoá học có thể tìm thấy trên vỏ cua, tôm) và các hợp chất hữu cơ có tên là oxetane được sắp xếp theo hình tròn.

Khi lớp mạ bị xước, các vòng tròn oxetane bị phá vỡ, lộ ra vùng phản ứng hoá học. Khi  tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời chiếu vào, chia tách các phân tử chitosan lộ ra những vùng phản ứng khác. Oxetane và chitosan hút lẫn nhau, liên kết với nhau và làm lành vết xước.

Giáo sư Urban cho biết thêm “Vật liệu này có thể được sử dụng làm sơn xe, hoặc làm lớp mạ nhựa trong suốt dùng cho màn hình, kính hay bề mặt đồng hồ. Giá thành của vật liệu cũng không quá đắt”.

Tốc độ tự hàn phụ thuộc vào lượng ánh sáng măt trời. Nếu với thời tiết ở vùng Trung đông, vết xước sẽ “biến mất” nhanh gấp 3 đến 4 lần so với thời tiết ở nước Anh.

Giáo sư Urban chia sẻ “điều kiện thời tiết khô hay ẩm sẽ không ảnh hưởng đến quá trình tự hàn. Tuy nhiên, lớp mạ sẽ chỉ sử dụng được một lần.”

Ông nhấn mạnh “Một vết xước mới trên chính xác cùng một vùng với vết cũ sẽ không tự lành được. Vật liệu này cũng cần thêm một số thử nghiệm trước khi được sử dụng làm sơn hoặc làm lớp mạ bảo vệ”.

Đèn “LED hữu cơ” trong suốt - cuộc cách mạng hoá màn hình hiển thị

Hiện tại, Lexus là thương hiệu xe duy nhất ứng dụng thử nghiệm công nghệ này trên mẫu 2010 Lexus RX model. Phiên bản Lexus RX 2010 sẽ đươc trang bị màn hình hiển thị đèn OLED nằm ngay bên cạnh đồng hồ công-tơ-mét. Lexus nhận xét rằng thiết bị đèn OLED của Neo View Kolon nhỏ gọn và nhẹ hơn đèn LED thông thường, đồng thời cũng sáng hơn và dễ đọc hơn.

(AutoPro) – với công nghệ đi-ốt phát sáng OLED, màn hình LCD không còn là một tùy chọn “sang”.
Đèn LED hữu cơ trong suốt có rất nhiều ứng dụng trong thực tế, riêng đối với ngành công nghiệp ô tô, loại đèn LED này được sử dụng trong màn hình hiển thị gắn cố định ngay trên gương chiếu hậu.

Công ty Hàn Quốc, có tên là NeoView Kolon, vừa giới thiệu phát minh mới nhất của mình trong lĩnh vực công nghệ, đó là công nghệ đèn OLED. Giống như công nghệ đèn LED, công nghệ đèn OLED cũng là công nghệ điốt phát sáng nhưng là điốt phát sáng hữu cơ. Khác với đèn LED thường được sử dụng trong các cụm đèn trước và đèn sau của ô tô, trong tương lai OLED sẽ được dùng để hiện thị thông tin cho người lái, thay thế màn hình LCD hiện nay.

Hiển thị trên gương chiếu hậu, OLED hoạt động tương tự như dòng ánh sáng hiển thị thông tin trên một màn hình trong suốt. Mặc dù, công nghệ về màn hình hiển thị dạng này không còn là một tin mới trong thế giới ôtô, nhưng công ty Neo View Kolon hứa hẹn đèn OLED này sẽ đứng đầu về chất lượng, độ sáng, độ phân giải, hình ảnh, hồi đáp và tiêu thụ ít năng lượng hơn hẳn các loại màn hình LCD hiện nay, cũng như các loại màn hình hiển thị khác trên thị trường.

Mục tiêu của công ty là sẽ sản xuất hàng loạt đèn OLED, ứng dụng trước tiên trong lĩnh vực công nghệ dành cho điện thoại di động trong tương lai gần. Tiếp đó, công ty mong muốn ứng dụng công nghệ này cho ngành công nghiệp ô tô, ví dụ như màn hình hiển thị thông tin có kết nối vệ tinh. Hiện nay, các màn hình hiển thị thông tin chỉ có nhiệm vụ bổ trợ cho các thiết bị đo, tuy nhiên, với cải tiến trong công nghệ mới, OLED hứa hẹn sẽ trở thành thiết bị cung cấp thông tin hàng đầu của các loại xe trong tương lai.

Tại triển lãm Geneva Motor Show năm nay, 2009, chúng ta đã được chiêm ngưỡng concept “xe ánh sáng EDAG”, một sản phẩm công nghệ mới trong ngành ô tô có ứng dụng công nghệ này.

Panasonic và Mitsubishi với “cuộc chiến” máy nghe đĩa Blu-ray

Panasonic dự kiến sẽ đưa ra sản phẩm của mình ra vào khoảng cuối năm nay, tuy nhiên thời gian cụ thể vẫn chưa được công bố. Năm 2007, Panasonic đã giới thiệu một nguyên mẫu cho đầu đọc đĩa Blue-ray trên xe hơi, đây được xem là một bước tiến so với đối thủ cạnh tranh của hãng – Mitsubishi.

(AutoPro)-Máy nghe đĩa Blu-ray dành cho xe hơi đầu tiên của Panasonic sẽ được ra mắt vào cuối năm nay, trong khi Mitsubishi muộn màng hơn, tận tháng ba năm sau.

Hãng Mitsubishi Electronics, cùng với Mitsubishi Motors là hai nhánh của công ty đa quốc gia Mitsubishi, vừa mới phát triển một loại đầu đọc đĩa Blu-ray dành cho xe hơi, vấn đề giá cả sẽ được quyết định dựa trên thời gian sản phẩm được giới thiệu ra thị trường. Trong khi đó, Panasonic cũng vừa giới thiệu một đầu đọc đĩa Blu-ray mới của hãng được tích hợp thêm hệ thống GPS, Bluetooth, và cả thiết bị dò tín hiệu truyền hình, tất cả sẽ được hiển thị lên một màn hình 7 inch có độ phân giải cao được gắn vào bảng điều khiển trên xe.

Máy nghe đĩa Blu-ray Panasonic CY-BB1000D vừa được giới thiệu có dung lượng ổ cứng lưu trữ lên đến 40GB, được dùng để chứa các tập tin nhạc, hình ảnh, và video.Những thông tin về đầu đọc đĩa của Mitsubishi hiện vẫn chưa được tiết lộ nhiều, nhưng hãng cũng công bố kế hoạch sẽ tung sản phẩm này ra thị trường vào tháng ba năm sau.

Việc đem công nghệ Blue-ray vào ngành công nghiệp xe hơi sẽ mang đến nhiều cải tiến mới cho hệ thống giải trí và truyền thông đa phương tiện trên xe. Hệ thống GPS sử dụng công nghệ Blu-ray sẽ cung cấp thông tin với độ chi tiết cao giúp người lái theo dõi dễ dàng, bên cạnh đó hệ thống bản đồ cũng sẽ được cập nhật với chỉ một đĩa Blu-ray- vì loại đĩa này có dung lượng lên đến 50GB.

Các đầu đọc đĩa Blu-ray trên xe hơi được chứng minh sẽ mang đến cho ngành công nghiệp ô tô một luồng sinh khí mới, hiện chỉ còn vấn đề thời gian để các hãng sản xuất ô tô trang bị những sản phẩm loại này vào các mẫu xe của họ - các hãng xe xa xỉ được dự kiến sẽ trang bị công nghệ này đầu tiên, sau đó sẽ đến các hãng xe phổ thông khác.  

Công nghệ động cơ chuyển nhiệt hao phí trở thành năng lượng

Bằng công nghệ mới giúp giảm thiểu lượng nhiệt hao phí ở hệ thống ống xả, Heat2power cho biết họ đã có thể tái sử dụng lại tới một phần ba lượng năng lượng này để phục vụ cho hoạt động cuả chiếc xe.Thực tế, công nghệ của Heat2power sẽ giúp những chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong tiết kiệm từ 15 đến 35% chi phí xăng dầu trong hầu hết điều kiện hoạt động đồng thời lượng khí thải CO2 cũng đã giảm như dự đoán của nhà sáng chế.

(AutoPro) - Công nghệ mới Heat2power có tác động lớn giúp tiết kiệm từ 15 đến 35% chi phí xăng dầu.

Dù đã có những  cải tiến trong công nghệ hiện đại, nhưng động cơ đốt trong vẫn chưa đạt tới hiệu quả mà loài người kì vọng. Chúng ta cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của của hệ thống phanh nạp hoàn lực, các loại động cơ sử dụng công nghệ stop –start (dừng/khởi động) hay hệ phun nhiên liệu trực tiếp trên những chiếc xe công nghệ cao, nhưng tất cả đều chưa thể làm vừa ý những nhà sản xuất ô tô cũng như người tiêu dùng.

Một hướng đi mới được các nhà sản xuất ô tô quan tâm trong thời gian gần đây là  sử dụng công nghệ tái phục hồi lượng xăng hao phí trong quá trình sử dụng để tạo ra điện. Có thể kể đến những hãng xe nổi tiếng đã đi tiên phong trong lĩnh vực này như BMW, Volkswagen hay Honda với những thử nghiệm giúp tiết kiệm thêm 5% chi phí nhiên liệu.

Hiện tại, vẫn chưa có sự thay thế hoàn hảo cho những việc sử dụng động cơ đốt trong và trên thế giới vẫn luôn có những phát minh mới hướng tới cách thức truyền thống này. Một công ty của Pháp với tên gọi “Heat2power“ đã thành công khi tận dụng lượng nhiệt tổn hao để cải thiện hiệu suất của động cơ đốt trong.

Theo Heat2power, chỉ có 30% phần năng lượng đốt cháy từ xăng được sử dụng vào mục đích cần thiết là vận hành chiếc xe. Trong khi  70% còn lại đã bị hao phí, hoặc do quá trình tản nhiệt của thiết bị, hoặc do hệ thống làm mát cũng như hệ thống ống xả được trang bị trên xe.

Đạt được tiến bộ to lớn, nhưng nhà sản xuất thực tế chỉ có phải thay đổi rất ít. Cấu trúc của khối động cơ được giữ nguyên, đồng thời sức mạnh công suất cũng không có sự thay  đổi. Tuy nhiên sẽ có tác động lên trọng lượng của chiếc xe khi sử dụng công nghệ này. Và đương nhiên, công nghệ này sẽ giúp chiếc xe thích ứng với hầu hết các loại nhiên liệu cũng như những chiếc xe điện công nghệ hybrid.

“Sạch” hơn cùng với bộ tăng áp mới

Theo CPT, động cơ sử dụng bộ tăng áp chạy điện mới của họ đã được thử nghiệm với một chiếc Volkswagen Passat. Kết quả thu được khá tích cực khi lượng khí thải từ động cơ mới là 159g/km trong khi với động cơ diesel thông thường loại TDI 2.0L 167 mã lực(125 kW), con số này là 165g/km;  với động cơ chạy xăng TFSI 2.0L 197mã lực (147 kW), con số này là 194g/km. 

(AutoPro) – Thiết bị tăng áp mới của CPT giúp giảm thiểu lượng phát thải khí các bô nic hơn so với động cơ xăng/dầu thông thường.

Hiện nay, công nghệ hybrid được coi là giải pháp tốt nhất cho bài toán tiết kiệm nhiên liệu khi sử dụng năng lượng điện từ ắc qui để cung cấp cho mô tơ điện hỗ trợ cho động cơ đốt trong. Thực tế, vẫn còn những giải pháp khác để khai thác điện năng và vẫn tiết kiệm nhiên liệu. Mới đây, các kĩ sư của Anh đã nghiên cứu phát triển một hệ thống mới trong đó năng lượng điện được sử dụng để điều khiển khối thiết bị tăng áp và hỗ trợ khi xe tăng tốc hoặc leo dốc.

Các thiết bị tăng áp (supercharger)  thông thường được nối với động cơ nhờ dây curoa và hoạt động nhờ lực truyền động từ động cơ để nén khí vào xi-lanh. Do đó, khi vận hành với công suất lơn,  năng lượng cần đưa ra từ động cơ phải tăng lên đồng nghĩa phần nhiên liệu tiêu hao sẽ nhiều hơn.

Năm ngoái, một công ty của Anh là Controlled Power Technologies (CPT) đã giới thiệu một bộ tăng áp điện dùng cho các loại động cơ tiết kiệm nhiên liệu cỡ nhỏ. Với tên gọi Hệ thống VTES (Variable Torque Enhancement System – Hệ thống tăng mômen biến thiên), nó đã được công ty đưa vào sản xuất đại trà và có thể được ứng dụng cho hầu hết các loại động cơ chạy xăng cũng như dầu diesel, kể cả những dòng xe mới được trang bị công nghệ tăng áp turbocharger.

CPT đã liên kết với hãng chế tạo động cơ của Đức AVL List GmbH (AVL) để sản xuất một loại động cơ xăng phát thải CO2 tương đương với những động cơ diesel có cùng công suất. Nhà sản xuất cho biết, mẫu động cơ 2.0 mới của họ sẽ sử dụng 4 xy lanh và thiết kế sử dụng công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp. Động cơ có công suất 197 mã lực (xấp xỉ 147kW) và mô men xoắn cực đại là 295lb-ft  (400Nm).

CPT cũng đã kí kết một thỏa thuận với Switched Reluctance Drives Limited, theo đó, nhanh chóng thực hiện sản xuất lô hàng đầu tiên để đưa ra thị trường. Nhưng vào thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhà sản xuất xe hơi nào thông báo sử dụng sản phầm mới của CPT.


Audi trang bị thiết bị mới để tiết kiệm được nhiên liệu hơn

Hệ thống thu hồi năng lượng khi phanh mới cũng được ứng dụng. Hệ thống này được thiết kế để tạo năng lượng điện và giảm bớt hoạt động của máy phát nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Hệ thống cũng chính là thiết bị tiêu chuẩn có trên A3 1.4 TFSI sử dụng hộp số thường, trên Audi A4, A5 và A5 Cabriolet sử dụng 2.0L TFSI và hộp số thường, trên A6, Q5 và Q7.

(AutoPro) - Audi hi vọng, đến năm 2012, mức tiêu thụ nhiên liệu của các dòng xe của hãng sẽ giảm 20% với công nghệ mới này.

Trong khi BMW đã đạt được thành công lớn trong việc phát triển các thiết bị tiết kiệm nhiên liệu một cách hiệu quả thì các đối thủ của hãng, bao gồm Audi và Mercedes Benz, mới chỉ “chập chững” sử dụng các công nghệ này. Mới đây, Audi đã công bố kế hoạch ứng dụng một số công nghệ nhằm cải thiện mức sử dụng nhiên liệu một cách có hiệu quả trên một số dòng xe mới của hãng.

Các công nghệ mới bao gồm: hệ thống dừng/khởi động, sẽ xuất hiện vào giữa năm nay; hệ thống phục hồi năng lượng khi phanh và một hệ thống platform môđun hiệu quả mới. Hệ thống này sẽ hoạt động cùng với hệ thống máy tính được tích hợp sẵn trên xe, giúp người lái cẩn trọng hơn bằng cách hiển thị dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu ngay trên màn hình hiển thị của xe. Hãng cũng sẽ gắn thiết bị chỉ dẫn sang số để nhắc nhở lái xe khi sang số nhằm đạt mức tiêu thụ nhiên liệu tối ưu. Theo Audi, tuỳ thuộc vào từng cách lái xe của mỗi cá nhân mà mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ khác nhau đến 30%.

Hệ thống dừng/khởi động động cơ hoạt động giống như hầu hết hệ thống của các hãng khác. Hệ thống này dừng động cơ ngay khi xe chuẩn bị dừng và ép côn. Vận hành côn sẽ khởi động động cơ trở lại. Hiện nay, phiên bản tự động của hệ thống này vẫn chưa xuất hiện. Audi ước tính rằng nhờ công nghệ mới này, các dòng xe sẽ tiết kiệm nhiên liệu được khoảng 0,2L/100km và giảm lượng khí thải CO2 ra ngoài môi trường khoảng 5g/km. Nhiều mẫu xe sẽ được trang bị công nghệ này ngay trong năm nay như A3 1.4 TFSI, 2.0L A4 và các mẫu A5.

Audi hi vọng, đến năm 2012, mức tiêu thụ nhiên liệu trên các dòng xe của hãng sẽ giảm 20% nhờ ứng dụng các công nghệ này.


Công nghệ mới biến máy bắn tốc độ trở thành…phế phẩm

Công nghê mới này có thể dùng thay thế các camera tốc độ, hoặc tối thiểu cũng có khả năng giảm số lượng các camera này. 

(AutoPro) - Công nghệ máy tính tích hợp sẵn trong ôtô có khả năng giảm tốc độ khi xe đi quá nhanh, giúp người dùng không vi phạm giới hạn tốc độ.

Sắp tới, máy tính tinh xảo sẽ được tích hợp sẵn trên xe ôtô, có khả năng “ngăn chặn” các bác tài phóng tay lái.

Cơ chế hoạt động
Hệ thống này sẽ theo dõi giới hạn tốc độ và tự động giảm tốc độ khi thấy xe được lái quá nhanh. Hệ thống sẽ xác định chính xác vị trí của chiếc xe thông qua vệ tinh và truy nhập vào cơ sở dữ liệu giới hạn tốc độ của đoạn đường giao thông đó để quyết định xem chiếc xe đã vượt quá tốc độ cho phép hay chưa.Hiện nay, hệ thống thích nghi tốc độ thông minh ISA đang được thử nghiệm trên qui mô rộng rãi.
Chính phủ có kế hoạch sẽ ứng dụng hệ thống trên cả nước. Hệ thống này cho phép lái xe sử dụng hai chế độ: tự giác hoặc tư vấn, đồng thời trên hệ thống có nút bấm quá tốc độ. Với chế độ tư vấn, màn hình sẽ hiển thị giới hạn tốc độ cho phép và hiện mặt cười nếu người lái ở trong mức độ cho phép, mặt cau có nếu xe đi quá tốc độ cho phép. Tuy nhiên, đối với chế độ tự giác, khi xe đạt giới hạn tốc độ, chân ga sẽ bị nén, ngăn không cho người lái tăng tốc bất chấp thời gian để nén chân ga. Những người tham gia chiến dịch an toàn giao thông hi vọng rằng, một ngày nào đó, chế độ này sẽ trở thành chế độ bắt buộc.

Hệ thống này không gây ảnh hưởng đến phanh xe. Nếu xe được trang bị ISA, khi xe đang ở vận tốc 64km/h, đi vào vùng có giới hạn chỉ là 32km/h hoặc 48km/h thì xe sẽ tự động giảm dần tốc độ.

Còn nhiều tranh cãi
Nếu sử dụng hệ thống này trên cả nước Anh, thì giá mỗi xe sẽ tăng lên khoảng 500 bảng Anh.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng hệ thống này sẽ là một bằng chứng nữa về sự can thiệp quá mức của chính quyền đối với cuộc sống riêng của người dân. Họ cho biết, hệ thống sẽ vi phạm tự do cá nhân của mỗi lái xe và còn có thể cản trở nhiều hơn là hỗ trợ cho an toàn đường bộ.

Hệ thống giao thông London (TfL) đang tiến hành thử nghiệm hệ thống này cho xe bus, tàu hoả, tàu điện ngầm và một số hệ thống đường chính tại thủ đô. Sau sáu tháng thử nghiệm, chính quyền sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của công nghệ này đối với mức an toàn giao thông và ách tắc giao thông. TfL tin tưởng rằng hệ thống sẽ giúp giảm 10% tai nạn giao thông.

Chris Lines, giám đốc bộ phận an toàn đường bộ của TfL cho hay: “Công nghệ cải tiến này có thể sẽ giúp các lái xe tránh bị phạt không cần thiết do vượt quá tốc độ cho phép, và có thể giúp giảm tai nạn giao thông, cứu sống được nhiều người”.

Tuy nhiên, giám đốc an toàn giao thông của AA, Andrew Howard lại nói rằng: “Các lái xe sẽ được chia theo góc quan sát của ISA, một số lái xe ghét hệ thống này, một số lại muốn có nó. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và chỉ có thể được trả lời sau khi tiến hành thử nghiệm bởi TfL.

Một chính quyền địa phương vừa cho hay, họ muốn lắp đặt 300 hệ thống ISA, có chi phí lên tới 400,000 bảng Anh, cho xe công vụ của địa phương mình.

Hệ thống này do phòng cải tiến công nghệ Anh quốc và một công ty Hà Lan hợp tác sản xuất và được TfL tài trợ. TfL sẽ thông báo những kết quả đạt được vào năm sau.